01-07-2025 | 9:49

Tìm giải pháp logistics tối ưu thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa bền vững

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều biến động, việc tìm kiếm các giải pháp logistics hiệu quả và bền vững đang trở thành ưu tiên hàng đầu đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu (XNK) tại Việt Nam. Tại hội thảo trực tuyến “Xuất khẩu và Logistics của Việt Nam hiện nay: Cơ hội, Thách thức và Giải pháp” do Hiệp hội Logistics TP.HCM (HLA) tổ chức, các chuyên gia đã cùng phân tích sâu thực trạng và đề xuất các định hướng chiến lược để nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt trên thị trường quốc tế.

Áp lực từ thị trường lớn và yêu cầu ngày càng khắt khe

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Hoài Chung – Phó Ban Chính sách HLA – cảnh báo về những ảnh hưởng rõ rệt từ các chính sách thương mại mới của Hoa Kỳ, đặc biệt là việc áp dụng thuế đối ứng lên hàng hóa Việt Nam. Điều này khiến hàng Việt mất dần lợi thế cạnh tranh tại thị trường lớn này, đồng thời tác động đến dòng vốn FDI và gây sức ép lên tỷ giá.

Trong khi đó, ngành gỗ – một trong những ngành xuất khẩu chủ lực – cũng đang chịu sức ép không nhỏ từ các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, chứng nhận FSC và tiêu chuẩn bền vững của các thị trường như Mỹ và EU. Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, nhấn mạnh rằng để giữ vững đà tăng trưởng (từ 15,8 tỷ USD năm 2024 lên mục tiêu 18 tỷ USD năm 2025), doanh nghiệp cần chuyển dịch từ gia công đơn thuần sang sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, đồng thời xây dựng chuỗi liên kết giữa vùng nguyên liệu, nhà máy và hệ thống logistics.

Hệ thống logistics cần được tái cấu trúc để thích ứng

Trước thực trạng các cảng khu vực phía Nam đang quá tải do tăng trưởng nhanh chóng về lưu lượng hàng hóa, ông Trương Tấn Lộc – Giám đốc Marketing Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (thuộc Binh đoàn 20) – cho biết, trong nửa đầu năm 2025, các cảng phía Nam đã tăng thêm 19 tuyến dịch vụ (chiếm 80% tăng trưởng cả nước) nhưng chưa có thêm cảng mới nào được đưa vào vận hành. Tình trạng này khiến nhiều cảng phải hoạt động vượt công suất, ảnh hưởng đến thời gian xử lý và chi phí logistics của doanh nghiệp.

Tuyến dịch vụ PEARL được thiết lập từ đầu năm 2025 tại cảng TCIT, đóng vai trò then chốt trong việc kết nối thương mại giữa Việt Nam và khu vực bờ Tây Hoa Kỳ

Tuyến dịch vụ PEARL được thiết lập từ đầu năm 2025 tại cảng TCIT, đóng vai trò then chốt trong việc kết nối thương mại giữa Việt Nam và khu vực bờ Tây Hoa Kỳ

Trước tình hình đó, Tân Cảng Sài Gòn đã chủ động triển khai loạt giải pháp nhằm nâng cao năng lực vận hành và tối ưu hóa chuỗi logistics:

  • Hợp tác chiến lược với cảng Phước An, VICT và CMIT để mở rộng khả năng tiếp nhận tàu lớn.
  • Phát triển cơ sở hạ tầng mới, bao gồm xây dựng Bến 7-8 tại Lạch Huyện, thay thế cẩu RTG tại các cảng trọng điểm.
  • Chuyển đổi số và xanh hóa hoạt động logistics, cải thiện hiệu quả vận hành và giảm phát thải.
  • Mở rộng mạng lưới giao nhận nội địa, giúp doanh nghiệp tiếp cận các cảng và depot thuận tiện hơn.

Đổi mới tư duy giao nhận – Chìa khóa mở đường bền vững

Một trong những điểm nhấn quan trọng được ông Lộc đề cập là việc thay đổi thói quen giao nhận truyền thống của doanh nghiệp. Theo ông, để thích nghi với tốc độ thay đổi của thị trường, các doanh nghiệp cần linh hoạt hơn trong lựa chọn phương thức giao nhận, tận dụng các tuyến kết nối và cơ sở mới do hệ thống Tân Cảng phát triển:

  • Tuyến đường bộ từ Cái Mép đến ICD Tân Cảng Long Bình, hỗ trợ doanh nghiệp tại Đồng Nai giảm chi phí logistics.
  • Mở mới depot tại Tân Cảng Hiệp Phước và kết nối các depot xung quanh cảng TCIT, tăng diện tích lưu trữ container.
  • Tuyến vận chuyển nội địa từ Cái Mép về TP.HCM, rút ngắn thời gian và chi phí giao nhận hàng.

Những thay đổi này không chỉ giúp giải tỏa áp lực lên các cảng biển lớn mà còn mang lại sự linh hoạt, tiết kiệm và ổn định hơn cho doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng.

Ông Lộc nhận định, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2025, chuỗi logistics Việt Nam đã trải qua sự chuyển mình tương đương với cả một thập kỷ trước đó. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ thích nghi về kỹ thuật, mà còn cần thay đổi tư duy – từ vận hành đơn lẻ sang kết nối đa chiều, từ thói quen truyền thống sang mô hình giao nhận tối ưu.

Trong bối cảnh xuất khẩu Việt Nam chịu nhiều thách thức từ thị trường quốc tế và sức ép hạ tầng trong nước, việc đồng bộ hóa chuỗi logistics và đầu tư cho giải pháp bền vững là bước đi tất yếu. Từ đó, tạo tiền đề cho doanh nghiệp tăng tốc xuất khẩu, cải thiện vị thế và vươn xa hơn trên bản đồ thương mại toàn cầu.

NEWS

Công Ty TNHH Thương Mại Dịch Vụ Tiếp Vận LTC
Địa chỉ: 51 – 53 Trần Não, P. An Khánh, TP. Thủ Đức, TP.HCM
Hotline: 0917 960 960
Hotline: 0822 960 960
Email: info@ltclogistics.vn

Liên hệ tư vấn